Thực tế áp dụng

Mô hình cán bộ hỗ trợ tâm lí BRAC

Mô hình cán bộ hỗ trợ tâm lí của BRAC là lộ trình giới thiệu gồm 4 cấp độ để đảm bảo hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho những đối tượng thụ hưởng. Trong đại dịch Covid-19, mô hình đã chuyển sang hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Việc tuyển dụng cán bộ hỗ trợ tâm lí, đào tạo, hội thảo, sát hạch kĩ năng, tài liệu hóa, hỗ trợ và giám sát định kì… đều được chuyển sang hình thức trực tuyến. Đồng thời, các dịch vụ tâm lí xã hội được cung cấp thông qua điện thoại có tính năng di động vì hầu hết các đối tượng thụ hưởng không có điện thoại thông minh.

Hình thức của quá trình đào tạo được xác định tùy thuộc vào nguồn lực sẵn có và/hoặc bối cảnh. Các cán bộ hỗ trợ tâm lí tham gia chương trình đào tạo kĩ năng cơ bản kéo dài 5 ngày. Sau khóa đào tạo, các cán bộ hỗ trợ tâm lí trải qua qui trình “cầm tay chỉ việc” trực tuyến kéo dài 1 tháng, trong đó họ học hỏi từ một cán bộ hỗ trợ tâm lí có nhiều thâm niên kinh nghiệm. Sau quá trình cầm tay chỉ việc này, cán bộ hỗ trợ tâm lí được đánh giá lần thứ nhất. Sau khi được đánh giá, cán bộ hỗ trợ tâm lí được phép làm việc với các đối tượng thụ hưởng và làm quen với các yêu cầu về công nghệ. Sau 3 tháng, lần đánh giá thứ hai được tiến hành, theo sau là các buổi tập huấn nhắc lại để củng cố kĩ năng của các cán bộ hỗ trợ tâm lí.

Đồng thời, các nhà tâm lí học tiến hành đào tạo và giám sát các cán bộ hỗ trợ tâm lí. Hình thức đào tạo kết hợp của qui trình phát triển kĩ năng cho các cán bộ hỗ trợ tâm lí đảm bảo rằng mô hình này có thể áp dụng linh hoạt tùy thuộc vào nguồn lực và bối cảnh. Chẳng hạn, các kênh phát triển kĩ năng hiệu quả thường được duy trì trực tuyến, nhưng khi cần, nhà tâm lí học phụ trách có thể trực tiếp giải quyết các thắc mắc hay vấn đề của cán bộ hỗ trợ tâm lí. Tất cả các công cụ đã qua kiểm chứng và sử dụng trong mô hình này (GHQ-12, PHQ-9, SDQ, KAP, Công cụ sàng lọc trẻ…) đều được hiệu chỉnh cho phù hợp với bối cảnh văn hóa của người Băng-la-đét và Rohingya trong việc sàng lọc và tiếp cận các vấn đề/nhu cầu cụ thể về sức khỏe tâm thần của người thụ hưởng. Ngoài ra, (các) công cụ đánh giá tuân thủ cũng được sử dụng để đánh giá năng lực của cán bộ hỗ trợ tâm lí về các kĩ năng của họ và mức độ thành thạo khi áp dụng các kĩ năng đó. Công tác giám sát định kì được đảm bảo bằng cách tải tất cả dữ liệu có liên quan lên một nền tảng an toàn và được mã hóa (TAROWORKS). Những dữ liệu này được bảo mật tuyệt đối. Công tác bảo mật dữ liệu cho phép các nhóm đối tượng khác nhau – gồm các nhà tâm lí học, nhóm giám sát & nghiên cứu và nhóm phần mềm có thể phối hợp mà vẫn tuân thủ các chính sách bảo vệ dữ liệu.

Chia sẻ trường hợp điển cứu này