Thực tế áp dụng

Ứng dụng trường học của VSO ở Ru-an-đa

Ở Ru-an-đa, VSO (một tổ chức tình nguyện quốc tế) đang thử nghiệm cách tiếp cận BDCMTX theo hình thức kết hợp dành cho giáo viên mầm non nhằm cải thiện việc áp dụng cách tiếp cận HTQC trong giáo dục mầm non (GDMN). Cách tiếp cận này kết hợp giữa nội dung kĩ thuật số được cung cấp qua Ứng dụng Trường học của VSO với CĐTH và sự hỗ trợ từ những người hướng dẫn chuyên môn tại trường. 

Máy tính bảng được cung cấp để thử nghiệm cách tiếp cận này. Về lâu dài, một phiên bản website sẽ được xây dựng dựa trên cam kết của Chính phủ Ru-an-đa về việc trang bị cho mỗi giáo viên một máy tính xách tay. Tuy nhiên, máy tính xách tay sẽ làm giảm cơ hội “định nghĩa lại” cách tiếp cận này cũng như giảm cơ hội có trải nghiệm học tập “độc đáo, mới lạ, mang tính xây dựng” cho người tham dự bằng cách dễ dàng chụp và chia sẻ ảnh/video về quá trình học tập (như khi dùng máy tính bảng).

Ứng dụng Trường học của VSO cung cấp nội dung tương tác kĩ thuật số cho việc tự học tập theo hình thức không đồng bộ về HTQC cho giáo viên mầm non. Ứng dụng cho phép sử dụng văn bản (có âm thanh), hình ảnh và video, câu đố, trò chơi và các công cụ tương tác như ghép nối hình ảnh và bài tập kéo-thả. Sau khi nội dung đã được tải lên, người học có thể học các mô-đun theo hình thức ngoại tuyến, tức là không cần kết nối Internet. Tuy nhiên, cần có kết nối Internet để tải dữ liệu về tiến độ học tập cần theo dõi, cũng như để sử dụng chức năng chat. Nội dung của ứng dụng ở Ru-an-đa được xây dựng thành 13 mô-đun. Ngoài ra, giáo viên có thể tải và chia sẻ tài liệu và ví dụ lên ứng dụng. Đây cũng là cơ hội nâng cao hồ sơ giáo viên.

VSO đã cân nhắc bối cảnh địa phương và các yếu tố về hệ thống quản lí khi thiết kế phương pháp thử nghiệm ứng dụng trong bối cảnh của Ru-an-đa. Mô hình SAMR được sử dụng để đánh giá giá trị gia tăng của ứng dụng. Kết quả cho thấy cách tiếp cận này thể hiện cấp độ “Mở rộng” (Augmentation) trong mô hình, vì nó thay thế các cách học trực tiếp bằng những cách thức khác. Đồng thời, cách tiếp cận đó cũng thể hiện cấp độ “Sửa đổi” (Modification), vì kết quả học tập có thể được cải thiện thông qua các trải nghiệm học tập tương tác và hấp dẫn. Ngoài ra, cách tiếp cận này còn có khả năng “Định nghĩa lại” (Redefinition) các phương pháp BDCMTX do chức năng trong ứng dụng cho phép người học tham gia vào các phòng chat và chia sẻ các ví dụ trực tiếp thông qua ứng dụng hoặc sử dụng các ứng dụng khác được cài đặt trên máy tính bảng để hình thành CĐTH trực tuyến. Cách tiếp cận này đòi hỏi phải quản lý dữ liệu tốt để theo dõi tiến độ của người học xuyên suốt các mô-đun cũng như khả năng thu nhận kiến thức (thông qua các khảo sát trước và sau mô-đun). Ứng dụng có chức năng quản lí dữ liệu tích hợp sẵn cho phép các cấp độ truy cập (an toàn) khác nhau. Việc theo dõi tiến độ có thể được thực hiện trong “thời gian thực” mặc dù điều này đòi hỏi các thiết bị phải được kết nối Internet. Khi kết nối Internet gặp khó khăn, các tình nguyện viên của VSO đến thăm trường để “kết nối” máy tính bảng của họ với máy tính bảng của giáo viên nhằm tải dữ liệu lên ứng dụng.

Chia sẻ trường hợp điển cứu này